Bán dẫn sẽ trở thành ngành công nghiệp nghìn tỷ USD

Ông Võ Xuân Hoài - Phó Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia - nhận định, thị trường chip bán dẫn giữ vững tốc độ tăng trưởng nhanh và ổn định trong suốt 20 năm qua với mức tăng trưởng kép hằng năm 14%, có tiềm năng trở thành ngành công nghiệp nghìn tỷ USD vào năm 2030.

Cần nhiều nhân lực bán dẫn

Ngày 16/4, UBND tỉnh Bắc Giang tổ chức hội thảo phát triển nhân lực cho ngành công nghiệp bán dẫn thu hút nhiều trường đại học, cao đẳng , chuyên gia và doanh nghiệp trong lĩnh vực này tham gia.

Theo ông Chung Won Seok - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Hana Micron Vina tại Việt Nam - cho biết, công ty chuyên sản xuất bán dẫn, bộ nhớ và có trụ sở chính tại Hàn Quốc. Tại Việt Nam, công ty có 2 nhà máy ở Bắc Giang và Bắc Ninh.

Đến nay, công ty đã sản xuất chip bộ nhớ ở Bắc Giang. Công ty TNHH Hana Micron Vina có quy mô sản xuất khoảng 100 triệu sản phẩm chip/tháng. Hiện tại, công ty có hơn 1.600 người lao động. Sản xuất bán dẫn đang có sự khởi sắc nên công ty có sự phát triển và đạt được mục tiêu đề ra. Công ty TNHH Hana Micron Vina liên tục tuyển dụng kỹ sư quy trình và thiết bị phục vụ sản xuất.

Bán dẫn sẽ trở thành ngành công nghiệp nghìn tỷ USD- Ảnh 1.

Tỉnh Bắc Giang chuẩn bị nhân lực để đón đầu tư sản xuất bán dẫn. Ảnh: Nguyễn Thắng.

Ông Nguyễn Xuân Ngọc - Phó Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Bắc Giang - thông tin, tại các khu công nghiệp (KCN) của tỉnh Bắc Giang có 3 doanh nghiệp có ngành nghề sản xuất về chất bán dẫn.

Cụ thể, Công ty TNHH Hana Micron Vina (vốn đầu tư của Hàn Quốc), với tổng vốn đăng ký đầu tư của dự án hơn 600 triệu USD. Mục tiêu là sản xuất và gia công bảng vi mạch tích hợp sử dụng cho điện thoại di động và các sản phẩm điện tử thông minh khác.

Công ty TNHH Si Flex Việt Nam (vốn đầu tư của Hàn Quốc), với tổng vốn đăng ký đầu tư dự án gần 300 triệu USD. Công ty TNHH Synergie Cad Việt Nam (vốn đầu tư của Pháp), với tổng vốn đăng ký đầu tư dự án hơn 21 triệu USD. Tổng số lao động làm việc trong các doanh nghiệp ngành công nghiệp bán dẫn ở Bắc Giang hơn 8.000 người.

Bán dẫn sẽ trở thành ngành công nghiệp nghìn tỷ USD- Ảnh 2.

Nhà máy của Công ty TNHH Hana Micron Vina sản xuất bán dẫn ở Bắc Giang.

Ông Ngọc cho hay, dự báo trong thời gian tới doanh nghiệp ngành công nghiệp bán dẫn tiếp tục đầu tư và phát triển tại các KCN tỉnh Bắc Giang với nhu cầu tuyển dụng lao động thêm năm 2024 hơn 1.800 người, trong đó lao động có trình độ cao đẳng trở lên hơn 280 người. Giai đoạn 2025-2030, tỉnh Bắc Giang cần khoảng 6.300 lao động ngành bán dẫn, trong đó lao động có trình độ cao đẳng trở lên là 1.200 người.

Ông Võ Xuân Hoài - Phó Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia - nhận định, thị trường chip bán dẫn giữ vững tốc độ tăng trưởng nhanh và ổn định trong suốt 20 năm qua với mức tăng trưởng kép hằng năm 14%, có tiềm năng trở thành ngành công nghiệp nghìn tỷ USD vào năm 2030.

Các nền kinh tế lớn nhất thế giới như Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Đài Loan và châu Âu đều đã công bố các kế hoạch hỗ trợ phát triển ngành sản xuất bán dẫn, tạo nên sự cạnh tranh trong ngành này. Ước tính nhu cầu thế giới sẽ cần tăng thêm hơn 1 triệu nhân sự vào năm 2030 cho tất cả các khâu thiết kế, sản xuất, lắp ráp, đóng gói và kiểm thử chip.

Liên kết đào tạo nhân lực

Ông Chung Won Seok - Tổng Giám đốc Cty TNHH Hana Micron Vina tại Việt Nam - cho biết, công ty bắt đầu liên kết một số trường cao đẳng ở Bắc Giang để đào tạo nhân lực phục vụ sản xuất. Giai đoạn hiện tại, công ty hợp tác các trường đào tạo kiến thức cơ bản và chuyên sâu về sản xuất bán dẫn.

“Ngành bán dẫn ở Việt Nam còn non trẻ, chúng tôi hy vọng hợp tác phát triển thì Việt Nam còn tiến xa hơn nữa. Chúng tôi luôn cố gắng hợp tác đào tạo nguồn nhân lực và mong muốn các trường đại học , cao đẳng và tỉnh Bắc Giang. Hiện tại, các kỹ sư của công ty chúng tôi đào tạo cho sinh viên cao đẳng ở Bắc Giang và sinh viên thực tập tại doanh nghiệp, kết thúc thực tập đạt yêu cầu có thể làm việc chính thức ở công ty”, ông Chung Won Seok chia sẻ.

Bán dẫn sẽ trở thành ngành công nghiệp nghìn tỷ USD- Ảnh 3.

Doanh nghiệp sản xuất bán dẫn ký kết hợp tác đào tạo nhân lực với trường cao đẳng ở tỉnh Bắc Giang tại hội thảo. Ảnh: Nguyễn Thắng.

Theo PGS.TS Trương Việt Anh - Đại học Bách khoa Hà Nội, cách đây 15 năm, Đại học Bách khoa Hà Nội đã tuyển sinh, tổ chức đào tạo chuyên ngành thiết kế vi mạch, chip bán dẫn và duy trì liên tục trong suốt thời gian qua. Theo thống kê, số lượng sinh viên đào tạo hàng năm phục vụ công nghiệp bán dẫn có tổng số hơn 3.000 người/năm. Ước tính đến 2030, Đại học Bách khoa Hà Nội sẽ đào tạo khoảng 6.400 cử nhân, kỹ sư và thạc sĩ, tiến sĩ cho các ngành trong công nghiệp bán dẫn.

Ông Trương Việt Anh đề xuất tỉnh Bắc Giang có thể thông qua hợp tác, đặt hàng với các trường đại học có năng lực và các loại hình đáp ứng nhu cầu từ đào tạo nghề, thực hành, đào tạo theo nhu cầu bổ sung kiến thức đến trình độ cao chuyên sâu đặc thù cho nguồn nhân lực phục vụ ngành bán dẫn.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Mai Sơn cho biết, Bắc Giang với vị thế chiến lược và tiềm năng phát triển, đã và đang nhận được sự quan tâm, thu hút đầu tư của nhiều công ty, tập đoàn ngành công nghiệp bán dẫn. Tỉnh Bắc Giang xác định chủ động liên kết với các trường đại học và cao đẳng để đáp ứng nguồn nhân lực phục vụ thu hút đầu tư công nghệ bán dẫn.